Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
08 JULY 2018

Tổng thống Pháp khiển trách cậu bé và chuyện tấm bằng đại học ở Việt Nam

Một thiếu niên khiến Tổng thống Macron tức giận khi gọi ông là "Manu" thay vì cách gọi tôn trọng dành cho một lãnh đạo.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài viết Tổng thống Pháp khiển trách cậu bé gọi ông bằng biệt danh. Câu nói ấy như sau: "Ngày mà cháu muốn bắt đầu một cuộc cách mạng, trước hết hãy học để có một tấm bằng và tự nuôi bản thân, được chứ? Sau đó cháu có thể dạy những người khác". Đây là những lời "răn dạy" của ông Macron với cậu học sinh cấp hai đã trót gọi ông bằng tên thân mật, khiến ông không hài lòng.

"Học để có một tấm bằng và tự nuôi bản thân", thì ra cứu cánh của việc học ở Pháp và Việt Nam là như nhau. Nhưng đoạn đường để đi đến mục đích cuối cùng là có tấm bằng lận lưng ấy của học sinh hai nước thật sự khác xa nhau.

Đây là đề thi Tú tài (tốt nghiệp THPT) môn Triết (Baccalauréat- BAC) của ban S (Khoa học) ở Pháp năm nay:

Thí sinh chọn một trong ba đề:

Đề 1: Sự ham muốn có phải là chỉ dấu cho tính bất toàn của chúng ta?

Đề 2: Trải nghiệm sự bất công có phải là điều cần thiết để biết thế nào là công lý?
Đề 3: Giải thích ý nghĩa đoạn trích trong tác phẩm "Hệ thống logic"(in năm 1843 của John Stuart Mill- triết gia người Anh).

Khi đọc đề thi này của học sinh ban khoa học, rồi của ban văn chương, ban kinh tế, tôi tự thốt lên rằng, giao những vấn đề luận lý cao siêu này cho học sinh cấp ba giải quyết, có quá sức không? Và trong khi học sinh Pháp phải vắt óc lý luận để vượt qua môn triết cam go, mà những vấn đề luận bàn luôn hướng tới sự khai phóng và minh triết thì ở Việt Nam, các em học sinh đang học gì và làm gì để có một tấm bằng và tự nuôi sống bản thân?

Các em học sinh cấp hai phải học ngày học đêm, học tính toán với những con số khô khan, với những ý văn mòn mỏi để vượt qua kỳ thi chuyển cấp. Phải "chọi" nhau để cạnh tranh một suất vào trường chuyên, trường công. Hết cấp ba, các em lại đối mặt với thi cử một lần nữa để vào đại học. Vào đại học, các em mất thêm bốn năm "mài đũng quần" ở giảng đường.

Từng là sinh viên nên tôi biết rằng khoảng thời gian này có rất nhiều mơ mộng và lý tưởng cao xa. Nhiều em sinh viên khóa sau mà tôi tiếp xúc cũng như vậy. Em thì ước mơ mình sẽ làm kỹ sư, lương nghìn đôla. Em thì nuôi mộng khởi nghiệp, lập công ty. Em thì nghĩ rằng mình sẽ có một tác phẩm văn chương để đời. Nhưng tất cả các em đều rơi vào trạng thái mất phương hướng, vật vờ, lầm lũi đến khi ra trường để rồi thấp thỏm với tương lai có việc hay thất nghiệp?

Dĩ nhiên, không phải học sinh Pháp nào cũng giỏi giang, vẫn có đầy em viết những câu ngô nghê, tỷ lệ đỗ tú tài ở Pháp là khoảng 70%, một con số thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Nhưng ai cũng biết dân tộc họ có nhiều cá nhân đóng góp cho văn hóa nhân loại, bằng những tác phẩm văn chương và những tư tưởng kỳ vĩ.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta đã xác định bằng cấp là tấm vé để các em học sinh, sinh viên bước vào đời, thì hãy đảm bảo tương lai cho các em bắt đầu từ sự chỉn chu, và công bằng và khách quan ở các kỳ thi. Khi đó, mọi lý tưởng của các em sẽ trở nên hiện thực và những mộng mơ lớn lao trở nên khả thi hơn.

 

Viết bình luận của bạn: