Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
29 MAY 2019

Sự ổn định không phải lúc nào cũng nhàm chán, và nhảy việc không phải lúc nào cũng thú vị

Trào lưu "nhảy việc" đang ngày càng phổ biến, nhiều người đang dần dễ dàng cảm thấy chán ghét công việc hiện tại hơn. Có lẽ khi có quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta dễ lạc lối hơn, hời hợt và quên đi việc tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Tôi chỉ muốn hỏi các bạn một câu: "Hôm nay đi làm có vui không?".

Với tôi, là không. Và không chỉ hôm nay, tôi còn trải qua nhiều ngày không vui khác.

Đó là những ngày sếp tôi hỏi mọi người trong buổi họp: “Tuần này bọn em có sáng tạo được gì mới mẻ không? Tháng này bọn em đóng góp được cho công ty cái gì? Cứ giậm chân tại chỗ thế à?”.

Đó là những ngày mà khi vừa nhận ra bản thân mình ổn thì bỗng nhiên nhận sự từ chối của đối tác, từ cấp trên… khiến tôi bỗng hoài nghi về giá trị của bản thân. Một lần nữa, tôi từng có nhiều hoài nghi về công việc trong quá khứ nhưng sự thật khắc nghiệt hơn tôi nghĩ.

”Đi làm có vui không?”, đây là câu hỏi mà tôi tự hỏi vào những ngày vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi đã tưởng tượng ra mình là một chàng trai đầy đam mê bên bàn làm việc, mắt lúc nào cũng sáng lên đầy năng lượng. Tôi đã tưởng tượng rằng mình sẽ được làm những công việc đầy thử thách và thú vị.

”Hôm qua đi làm có vui không?”, tôi tự hỏi mình ở thì hiện tại. Ngày hôm qua tôi đã làm những việc mà chính tôi còn cảm thấy chán ghét. Những sản phẩm sáng tạo mà tôi luôn muốn vứt đi, nhưng mọi người lại bảo “thấy cũng ổn mà”. Tôi không biết, nhưng mơ hồ nhận ra rằng sự sáng tạo của bản thân đã bị mài mòn từ bao giờ.

Sự nghèo nàn sáng tạo của công việc hiện tại lại càng tăng thêm khi tôi so sánh với công việc của bạn bè cùng trang lứa. Chức vụ hiện tại bỗng trở nên tầm thường khi đặt cạnh đồng nghiệp. Những sự chán nản và hoài nghi ấy đã nhiều lần khiến tôi nản lòng.

Những sự chán nản và hoài nghi khiến tôi nản lòng và muốn “nhảy việc”

Và dù như thế, tôi không nghĩ mình mất đi đam mê với công việc hiện tại. Chỉ là “đam mê” đã trở thành một thứ gì đó ổn định hơn, bớt đột phá hơn. Tôi vẫn hoàn thành deadline, đi họp đầy đủ, tham gia các dự án, vẫn tham công tiếc việc dù luôn cảm thấy áp lực.

Bạn bè tôi cũng như vậy, dù làm nghề nào thì dù ít dù nhiều cũng phải đối mặt với sự nhàm chán. Có người bảo rằng công việc dưới sức, suốt ngày chỉ làm những việc ổn định và không nhìn thấy được sự thăng tiến. Có người lại bảo rằng họ cảm thấy việc họ làm vô dụng và không giúp ích được gì cho đời. Có nhiều người lại bảo rằng công việc hay ho nhưng môi trường nhàn nhạt khiến cô cảm thấy bản thân bị giậm chân tại chỗ…

 

Nhưng dù là như thế, nhiều người vẫn chọn gắn bó với công việc hiện tại, vì nhiều lý do khác nhau. Có người vì sếp tốt nên không muốn ra đi, có người thích sự ổn định nên ở lại, có người không có sẵn lựa chọn thay thế nên ở lại… Có người vì sợ khi chuyển qua công việc mới phải xây dựng lại từ đầu, từ uy tín với các đồng nghiệp cho đến sự tín nhiệm của cấp trên nên cũng không muốn rời đi nữa. Nhưng việc ở lại với tâm thế của người sẵn sàng ra đi khiến năng suất công việc bị giảm đi nhiều, sự chán ghét công việc cũng tăng thêm.

Có nhiều người đã chọn cách ”nhảy việc” khi gặp những công việc nằm dưới mức kì vọng. Nhưng một người nhảy việc không hề biết công việc mới có thú vị hay không, và nó có tiếp tục trở thành “công việc cũ” sau một thời gian hay không. Chúng ta không biết quá nhiều về tương lai, nhưng sự ổn định nhàm chán của hiện tại đôi lúc khiến một phần nào đó trong ta bảo rằng ta đang bỏ lỡ cơ hội, bảo rằng những công việc hay ho đang ở ngoài kia, bảo rằng ngoài đại dương có rất nhiều cá…

Tham vọng của con người cũng to lớn như đại dương đầy cá kia, và đó là bức tường ngăn ta chạm đến hạnh phúc thật sự. Lòng trung thành của tôi từng bị thử thách rất nhiều về những hứa hẹn mơ hồ nằm đâu đó ở tương lai, nhưng tôi cũng thường tự nhủ với mình rằng một công việc tốt đẹp không xứng đáng với những kẻ thực dụng rời đi vội vã.

Nhiều lần tôi bị thôi thúc bởi suy nghĩ “ngoài kia còn nhiều công việc hay ho khác”

Một trong những lý do khác khiến nhiều người muốn “nhảy việc” là tâm lý “cỏ nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn”. Những người bạn cùng trang lứa lúc nào cũng khiến tôi có cảm giác rằng mình đang bị bỏ lại. Có nhiều đứa bạn học cùng cấp ba nay đã có được vị trí cao trong công việc, đã mua nhà, đã lập gia đình… khiến tôi nhìn lại và cảm thấy mình chỉ như một kẻ thất bại kẹt lại với công việc nhàm chán. Tôi luôn cố gắng phấn đấu, cố gắng phát triển bản thân nhưng cũng tự tạo ra một áp lực vô hình khi cảm thấy rằng mình đang đứng yên trong khi thế giới chuyển động.

Nhưng cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng, mỗi người có một cuộc đời riêng, và không có cuộc đời nào tốt hơn cuộc đời nào cả. Chúng ta sinh ra đều là nhân vật chính trong bộ phim của chính mình, nhưng là nhân vật phụ trong bộ phim của người khác. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng, những hoài bão riêng, những nỗi niềm riêng… nhưng suy cho cùng, mỗi người chúng ta chọn một cuộc đời khác nhau và chỉ cần vui trong chính cuộc đời mình chọn là được.

“Mọi người luôn trưng ra điều tốt đẹp nhất của mình”. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn cảm thấy thua kém đồng nghiệp. Chúng ta nhìn vào những chuyến du lịch châu Âu đắt đỏ khoe trên instagram, nhưng không thấy được áp lực từ công việc của họ. Chúng ta nhìn vào những chức vụ đáng mong ước, nhưng không thấy được sự mồ hôi mà họ phải bỏ ra để phấn đấu. Chúng ta nhìn vào những nụ cười và những buổi tiệc sang trọng trên bảng tin facebook, mà không thấy được sự cô đơn, không thấy được những mâu thuẫn trong các mối quan hệ của mọi người.

Mọi người luôn trưng ra điều tốt đẹp nhất của mình nhưng đằng sau đó là sự cô đơn…

Ngoài việc quá tập trung vào việc nhìn ra thành tựu của người khác, sự mất cân bằng bên trong mỗi người cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta luôn cảm thấy khổ sở. Tham công tiếc việc, đắm chìm vào những dự án chỉ khiến chúng ta ngày càng bị áp lực và thêm phần chán ghét công việc hiện tại. Tình yêu hay công việc đều không phải là tất cả mà chỉ là một phần của cuộc sống. Chúng ta thường nghiêng hẳn về phần này hoặc phần kia, cho đến khi gục ngã hẳn. Cuộc sống giống như một cái bếp ga có bốn lò lửa: tình yêu, công việc, thời gian và sức khỏe. Lượng ga là có hạn, sức người cũng vậy. Chúng ta bật to lò này thì những lò kia sẽ cháy yếu lại.

 

Khi còn trẻ, nhiều người chọn cách dồn sức vào công việc để kiếm tiền. Sau khi đã đến tuổi lập gia đình, họ lại dồn sức vào tình yêu để mong kiếm được nửa còn lại. Cho đến một ngày họ nhận ra, lửa ở lò “thời gian” và lò “sức khỏe” đang cháy quá yếu, nhưng cũng đã không còn đủ “ga” để đốt.

Chúng ta nên có kế hoạch để biết khi nào nên “vặn to” lò nào, tránh sự điều chỉnh đừng quá cực đoan. Đầu tư vào công việc nhưng vẫn phải chú ý đến các mối quan hệ, thời gian cho bản thân và sức khỏe. Sức người có hạn, cuộc sống tạm bợ với tầm nhìn ngắn hạn chỉ khiến ta rơi vào một vòng luẩn quẩn những vấn đề cần giải quyết. Và dồn sức vào giải quyết vấn đề này sẽ lại phát sinh ra vấn đề khác.

Sự cân bằng tương đối khó đạt được với nhiều người. Chúng ta thường không tự biết được giới hạn của bản thân ở mức nào, không biết mình thật sự thích gì và không biết mình làm một việc gì đó để làm gì. Tôi vẫn thường trì hoãn việc tập thể dục thể thao vì cho rằng bản thân “bận quá”, “không có thời gian”… nhưng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày là không quá nhiều. Thời gian tôi lướt facebook hay xem youtube có lẽ gấp 3 lần con số đó. Và như vậy, tôi lại đắm chìm vào công việc, ngồi một chỗ và thường xuyên cảm thấy bị stress.

Một ngày, có người bạn khuyên tôi rằng “Hãy làm cho tới khi thích nó!”. Điều này có vẻ vô lý nhưng xem chừng đúng đắn. Tôi có thử tham gia một khóa tập bơi và bắt đầu cảm thấy hứng thú. Cảm giác đắm chìm vào làn nước, quên hết mọi vướng bận thường ngày thật sự hấp dẫn và khiến tôi tham gia đều đặn ba lần một tuần. Sau bơi, tôi tiếp tục tham gia vào câu lạc bộ chạy bộ ở khu phố và cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt ở bản thân. Sự chậm chạp thường ngày dần mờ đi, cảm giác uể oải cũng biết mất, lúc nào cũng cảm thấy bản thân tràn trề năng lượng và sẵn sàng làm việc. Và thể dục thể thao từ đó cũng trở thành một phần không thể thiếu.

Sự ổn định không phải lúc nào cũng nhàm chán và những điều ta chưa làm không phải lúc nào cũng thật sự thú vị

Khi đã thôi không còn nhìn vào mọi người để làm các phép so sánh, thôi không tập trung quá mức vào công việc nữa, tôi bắt đầu cảm thấy thanh thản và có được những giây phút hạnh phúc dễ dàng hơn. Tôi nghĩ mình thật may mắn với chức vụ hiện tại, thật may mắn vì luôn có thể mua được đôi giày, chiếc đồng hồ và chai nước hoa mình thích. Tôi cảm thấy bản thân may mắn vì với công việc “nhàm chán” hiện tại, tôi có thể vác ba lô lên và đi mà không phải vướng bận nhiều. Tôi cảm thấy may mắn vì có những người đồng nghiệp tốt bụng, và dù rằng đôi khi họ có hơi xấu tính nhưng cũng dễ dàng thông cảm được.

Và tôi cảm thấy may mắn rằng cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng cuộc đời không phải một cuộc đua xem hình mẫu nào là lý tưởng nhất, mà là một chương trình truyền hình nơi ai cũng được trao cơ hội. Cuộc đời là nơi chúng ta có thể thể hiện khả năng của mình, đóng góp một năng lực của bản thân và cảm thấy bản thân có ích vì thế giới luôn cần ta.

“Hôm nay đi làm có vui không?”, tôi nghĩ mình đã có câu trả lời. Chúng ta luôn có những phần ổn định trong cuộc sống, để có thể so sánh với sự đột phá ở những phần khác. Hôm nay đi làm có thể không có gì đặc biệt, nhưng cuộc hẹn với đồng nghiệp tối nay sẽ rất vui. Công việc có thể thiếu đi sự hấp dẫn, nhưng những sở thích như chụp ảnh, viết lách, đi du lịch… trong thời gian không phải làm gì nhờ đó mới trở nên thú vị hơn cả.

Đôi khi chúng ta không nên từ bỏ sự ổn định để đi tìm kiếm một thứ mơ hồ gọi là “đam mê”. Vì sự ổn định không phải lúc nào cũng nhàm chán và những điều ta chưa làm không phải lúc nào cũng thật sự thú vị.

Theo Cafebiz

 

Viết bình luận của bạn: