Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
06 SEPTEMBER 2021

PHẦN 2 – ĐẾN PHƯƠNG TRỜI MỚI

[CHUỖI BÀI VỀ DU HỌC]

PHẦN 2 – ĐẾN PHƯƠNG TRỜI MỚI

(Tất cả đều là những chia sẻ về trải nghiệm, không màu mè, không vẽ ra một bầu trời màu hồng, không tô đen màu xám)

Hôm có kết quả trúng tuyển trường ở Phần Lan, mình đã rất bất ngờ và vui mừng, vì một ước mơ đã thành sự thật. Mình tiếp tục tham khảo những chia sẻ trên group du học sinh về các bước cần làm tiếp theo, những gì cần chuẩn bị, những trải nghiệm của người đi trước để chuẩn bị tinh thần. Sau này, mình phát hiện có web hotcourses cũng là nơi có thể tham khảo những chuyện xoay quanh du học, bao gồm những chia sẻ của các du học sinh.

Nhìn chung, bước tiếp theo sẽ là làm việc với đại sứ quán để xin giấy phép cư trú. Các bạn có thể tìm thông tin trên web của đại sứ quán, hoặc bí quá thì có thể gọi họ hỏi thêm cho rõ. Song song đó thì bắt đầu tìm nhà ở thành phố mình sẽ đến. Lúc trước, trường của mình có gửi link web giới thiệu về hệ thống nhà sinh viên ở Phần Lan nên mình cũng đỡ hoang mang ở khoản này. Thường ở Phần Lan, tại các thành phố có sinh viên, sẽ có hệ thống nhà sinh viên ở đó, ví dụ ở Helsinki là HOAS. Sau khi có kết quả của giấy phép cư trú mới nên đặt vé máy bay, phòng khi có trục trặc gì ngoài ý muốn.

Bạn mình kể lúc trước, bạn liên lạc với mentor của trường để nhờ lấy hộ chìa khóa nhà trọ và đón ở sân bay. Mentor ở đây thường là sinh viên tình nguyện của trường, là những người bạn sau này giúp mình làm quen với trường nói riêng và môi trường mới nói chung. Vì vậy, mình cũng gửi email cho một bạn mentor nhờ đón mình, nhưng bạn ấy bận. Nên mình đã liên lạc với bạn mình đang ở Phần nhờ đón. Hồi năm của mình, hội sinh viên Việt ở Phần Lan cũng tổ chức tình nguyện đi đón sinh viên mới qua. Do đó, các bạn có thể nhờ bạn bè, người thân, hoặc mentor, hoặc nhờ hội sinh viên Việt ở nước đó giúp đỡ khi bạn mới bay qua lần đầu, lúc còn lạ nước lạ cái.

Nếu có thể, bạn nên tìm hiểu hệ thống phương tiện công cộng ở nơi sắp đến, dùng google maps để tìm hiểu từ sân bay về nhà bạn thế nào. Nếu bạn phải tới trung tâm nhà để lấy chìa khóa thì tìm đường tới đó và thời gian trung tâm mở cửa (có trên web của trung tâm) để tránh phải chờ đợi lâu nhé. Tiếp tục google xem ở nơi sắp đến, họ tính tiền vé tàu xe thế nào, nên mua lẻ hay có thể mua thẻ và nạp tiền để dùng thay vé nhiều lần. Cố gắng tìm hiểu kĩ để đừng vô tình trốn vé tàu xe lượt nào bạn nhé, vì nếu bị phát hiện, tiền phạt rất đắt (ở Helsinki là 80 EUR), và tội này còn bị ghi lại vào criminal record nữa, không hề tốt chút nào nếu tương lai bạn muốn đi nước khác hoặc xin giấy phép cư trú để ở lại.

Phần Lan là nước Bắc Âu nên khá lạnh. Tuy nhiên, bạn không cần mang quá nhiều áo ấm, vì có thể mua thêm ở tiệm đồ cũ sau. Nên mang theo dây cáp mạng và cục wifi để ngày đầu tới có thể liên lạc với gia đình. Mang theo ít thực phẩm ăn liền như mì gói, bánh kẹo, v…v… để ăn đi đường và khi mới tới nơi, chưa kịp mua sắm gì. Có thể mang chút đồ đạc để ngủ, như túi ngủ, phòng khi mới qua chưa kịp mua gì. Những thứ ở trên là những gì mình nghĩ rất cần thiết cho ngày đầu mới sang. Còn những đồ đạc khác, các bạn có thể tham khảo thêm trên các group hội sinh viên. Nhìn chung, cố gắng nhớ tiêu chí: Cái gì mua được ở nước sắp đến thì không cần mang nhiều, chỉ mang những thứ thật sự cần thiết, chừa chỗ cho những thứ khác mình muốn mang mà nơi đó không có hoặc khó mua được. Cuối cùng là nhớ mang theo ít tiền mặt dằn túi, bạn nhé.

Khi đáp ở sân bay, bạn nên chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết như giấy xác nhận nhập học, passport, thẻ giấy phép cư trú,… để có thể qua hải quan nhanh. Trong ngày đầu tiên, bạn cũng nên mua thẻ sim, hỏi thăm và mua gói mạng di động phù hợp nhu cầu bản thân.

Phần Lan là đất nước thân thiện, luôn có những dịch vụ khiến cuộc sống dễ dàng hơn. Bạn có thể mua vé đi lại ở các kioski, theo mình nhớ thì trong sân bay cũng có một quầy như thế. Hoặc ngay khi bạn xuống đường tàu cũng có máy bán vé, có tiếng Anh. Nếu bạn có bất kì vấn đề gì, cứ mạnh dạn hỏi một người Phần gần đó, họ tuy giữ khoảng cách và không nói chuyện với người lạ, nhưng thường rất sẵn lòng giúp đỡ bạn. Nhân viên của các quầy dịch vụ cũng sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi của bạn. Hầu hết người Phần Lan đều có thể nói tiếng Anh, trừ một số cụ già hoặc em bé nhỏ, và họ cũng không kì thị người nói tiếng Anh, nên bạn có thể tìm sự trợ giúp từ người xung quanh bất kì lúc nào nhé.

Mình hi vọng những điều trên đã đủ để bạn có khởi đầu thuận lợi ở một đất nước mới.

 

Bạn có thể đọc lại phần 1 TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ CHUẨN BỊ, tại link

https://ceftworks.com/phan-1-tim-kiem-thong-tin-va-chuan-bi

 

 

 

Viết bình luận của bạn: