Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
30 AUGUST 2021

PHẦN 1 – TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ CHUẨN BỊ

[CHUỖI BÀI VỀ DU HỌC]

PHẦN 1 – TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ CHUẨN BỊ

(Tất cả đều là những chia sẻ về trải nghiệm, không màu mè, không vẽ ra một bầu trời màu hồng, không tô đen màu xám)

Chào các bạn, mình từng là một du học sinh Phần Lan bậc Thạc sĩ, nhập học mùa thu năm 2016. Sau đây, mình xin nói về một số kinh nghiệm cá nhân cũng như góc nhìn của bản thân mình trong quá trình tìm đường du học. Mình bắt đầu nghĩ đến việc du học vào đâu đó đầu năm tư đại học, có lẽ cũng khá trễ. Ngoài chuyện cố gắng duy trì và cải thiện thành tích trong học tập như các năm trước đó, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi học thuật, mình cũng dành một chút thời gian để tìm hiểu về du học. Theo mình nghĩ, nếu đã học các ngành về khoa học – kĩ thuật, nói chung là ngành có tính học thuật cao, thì nên đầu tư thật tốt cho thành tích học tập. Các hoạt động ngoại khóa và các thành tích học thuật khác, nếu có sẽ là điểm cộng.

Về việc tìm hiểu thông tin du học, mình cũng từng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Vì không biết nên mình lao vào tìm hiểu theo mọi cách mình nghĩ ra. Mình chăm chỉ tìm kiếm thông tin và tham gia các buổi hội thảo cũng như triển lãm du học, không cần biết nó dành cho du học ở nước nào, trường nào, vì mình nghĩ mọi thông tin đều có ích, mọi kinh nghiệm của người khác đều đáng ghi nhận và học hỏi. Tuy nhiên, nếu các bạn tham gia hội thảo của các trung tâm tư vấn du học tổ chức thì nên cẩn thận một chút. Cứ nghe thông tin, nhưng khi quyết định có chọn dịch vụ của trung tâm đó không thì cần cân nhắc, xem bản thân có thật sự cần không, và trung tâm đó có uy tín không. Vì đã có trường hợp một trung tâm tư vấn du học Phần Lan cũng khá có tiếng, nhưng sau này bị tố là lừa đảo. Và cũng có rất nhiều trường hợp du học là chỉ tự tìm hiểu cách làm hồ sơ rồi tự làm mọi thứ theo quy trình nhà trường mô tả.

Song song đó, mình xác định đất nước mình muốn đến là đâu, nói tiếng Anh hay tiếng khác, châu Âu, châu Á, hay châu lục nào khác, đất nước đó có văn hóa hợp tính cách mình không, mình muốn theo học ngành gì,… Rồi mình google World university rankings và tìm thấy trang này: https://www.timeshighereducation.com/content/world-university-rankings. Mình dùng nó để tham khảo tương đối trường nào, tại châu lục hay đất nước mình nhắm, có ngành mình muốn theo và có xếp hạng tốt một chút. Hoặc nếu bạn quá yêu quý một đất nước nào đó và chỉ muốn tới đó thì có thể không cần để ý thứ hạng trường quá nhiều cũng được.

Ngoài ra, facebook cũng là công cụ tìm kiếm thông tin và kết nối rất hiệu quả trong quá trình tìm thông tin du học này. Mình theo dõi page chuyên cung cấp thông tin về học bổng du học của trường mình, page VietAbroader (https://www.facebook.com/vietabroaderconnect), page Scholarship for Vietnamese students (https://www.facebook.com/ScholarshipforVietnameseStudents), cùng các group của cộng đồng du học sinh các nước, các học bổng quốc tế như group Erasmus Mundus Vietnam (https://www.facebook.com/groups/107784900438), group cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan (https://www.facebook.com/groups/502396746484487), … Các bạn nên dùng công cụ search trong group để tìm thông tin trước khi hỏi, vì thường các câu liên quan tới du học đã được trả lời nhiều lần rồi. Trong các group, đôi khi sẽ có những bài hướng dẫn hoặc tham khảo cách viết cover letter, SoP (Statement of Purpose), v..v… vốn cũng là những thứ có thể được yêu cầu trong hồ sơ nộp cho trường. Những thứ này google cũng được.

Một nguồn thông tin khác tuy có thể không nhiều nhưng cũng đắc lực không kém là bạn bè, người thân chúng ta. Hễ thấy ai đã hoặc đang du học tại một nước mình nhắm tới, các bạn có thể hỏi cách mà họ đã làm được điều đó. Bản thân mình cũng vô tình hỏi thăm một người bạn du học Phần Lan, rồi từ đó mình biết tới group du học sinh Phần Lan, vào đó tìm thông tin, rồi mới biết trang web để tìm trường ở Phần Lan, rồi vào tận web của trường có ngành mình nhắm để tìm xem hồ sơ nộp cần những gì để chuẩn bị. Đến giờ, với những trường mình đã tìm hiểu, mình thấy họ đều cập nhật liên tục quy trình ứng tuyển cũng như những yêu cầu về hồ sơ trên web của họ, nếu bạn kiên nhẫn tìm sẽ thấy.

Ở trên chỉ là một số gợi ý của mình, mình đã làm để tìm hiểu thông tin du học nói chung. Có thể bạn sẽ có thêm những cách khác để tìm thông tin hiệu quả hơn, vì chẳng có giới hạn nào ở đây cả. Khi bạn muốn, bạn sẽ tìm được cách thôi. Chúc bạn may mắn nhé!

Khi mình đã xác định được trường mình muốn nộp hồ sơ, cũng như đã tìm hiểu hồ sơ cần những gì, thì tới bước mình chuẩn bị cho hồ sơ. Ở bước xác định quốc gia mình muốn đến học, hoặc ít nhất đến bước chuẩn bị này, hẳn bạn đã biết mình cần thi để lấy những bằng cấp gì, ví dụ IELTS, TOEFL hay TOEIC là đủ, có cần GRE hay GMAT không, hay nếu là nước không dùng tiếng Anh thì ngôn ngữ cần học là gì và yêu cầu trình độ ngoại ngữ đó là tới bậc nào, v…v… Cũng có thể bạn đã bồi dưỡng ngoại ngữ của mình từ trước, từ khi còn chưa xác định gì, thì tới đây bạn đã biết rõ mình cần tập trung ôn luyện cho cái gì.

Đối với cover letter (trong trường hợp của mình), SoP, hoặc bất kì thể loại bài viết nào cho nhà trường thấy được cá tính, suy nghĩ và dự định của bạn, theo ý kiến riêng của mình, bạn nên tìm hiểu trước về tính cách con người đất nước đó, cũng như truyền thống và văn hóa của trường trước khi viết. Nó giống như việc thể hiện bản thân khi phỏng vấn xin việc vậy, bạn thể hiện được sự phù hợp của bàn thân với môi trường mình nhắm tới càng nhiều thì càng tốt, người ta thấy họ đáp ứng được nguyện vọng của bạn thế nào và thấy bạn đáp ứng được yêu cầu để hòa nhập với họ thế nào. Như mình tìm hiểu về người Phần Lan thì thấy họ đề cao sự trung thực, thẳng thắn và thực tế, khi nói chuyện không vòng vo mà vào thẳng vấn đề, nên khi viết cover letter, mình cũng trình bày bài như vậy. Các bạn cũng nên tìm hiểu kĩ cover letter hay SoP hay các kiểu viết khác nhau thế nào, để có thể trình bày hay viết cho đúng yêu cầu.

Mình may mắn không cần phỏng vấn nên cũng không có nhiều kinh nghiệm cho việc này. Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn có thể tìm thêm thông tin và kinh nghiệm qua google và các page, các group facebook như mình đã nói ở trên.

Việc nộp hồ sơ, bạn lưu ý bám sát theo quy trình được mô tả trên web trường. Nếu phải gửi hồ sơ giấy, khi nộp nhớ chừa ra ít nhất vài ngày hoặc khoảng 1 tuần trước deadline, phòng khi hồ sơ tới nơi trễ nhé.

 

Viết bình luận của bạn: