Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
15 DECEMBER 2021

KIỀM (SODIUM HYDROXIDE, POTASSIUM HYDROXIDE) CÓ AN TOÀN TRONG CÁC SẢN PHẨM CHĂM SÓC DA?

Nếu bạn thường xuyên đọc bảng thành phần mỹ phẩm, đôi lúc bạn sẽ thấy thành phần SODIUM HYDROXIDE (NaOH) hay POTASSIUM HYDROXIDE (KOH), bạn có thắc mắc tại sao họ lại cho nó vào mỹ phẩm không? Mình cũng từng thắc mắc y chang vậy khi mới bắt đầu bước vào ngành hóa mỹ phẩm, và có xu hướng không thích những sản phẩm chứa các thành phần này vì nghĩ nó hại da. Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết này nhé.

Chúng ta đã được học qua về 2 loại kiềm mạnh trong sách hóa học, được rằng đây là 2 hóa chất nguy hiểm có khả năng ăn mòn da, gây bỏng nặng với các vết loét sâu, thực sự nguy hiểm không kém gì Acid Sulfuric cả. Khi tiếp xúc ở nồng độ thấp khoảng 0,1% trong khoảng thời gian 60 phút cũng có thể phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Nhờ đặc tính là có tính kiềm cao (pH >7 là có tính kiềm) nên được sử dụng trong mỹ phẩm như một chất điều chỉnh độ pH, mục đích là làm tăng pH của sản phẩm.

Chúng ta hiểu thế này nhé, khi cho một lượng kiềm cố định vào sản phẩm sẽ xảy ra phản ứng trung hòa với các tác nhân có tính acid để đạt được một pH mong muốn. Cho nên lượng kiềm này (NaOH, KOH) có thể đã phản ứng hết hoặc chỉ còn 1 lượng nhất định để phù hợp với pH theo yêu cầu của sản phẩm. Các sản phẩm chăm sóc da, tóc có khoảng pH thường 4.5-6.5 tùy đặc tính từng sản phẩm, do đó lượng kiềm khi thêm vào dường như sẽ không còn nữa, thay vào đó sẽ tồn tại ở dạng khác trong sản phẩm.

Ví dụ: cho NaOH vào H2O để được một dung dịch kiềm với nồng độ phù hợp (pha loãng dung dịch kiềm), xảy ra quá trình phân li ra ion như sao:

NaOH → Na+  +  OH-

Trong hỗn hợp có tác nhân acid (H+) cần trung hòa, cho dung dịch kiềm vào sẽ có phản ứng sau:

H+ (trong hệ cần tăng pH) + OH- (được phân ly từ NaOH) → H2O

Bên cạnh việc điều chỉnh độ pH trong mỹ phẩm, kiềm còn là 1 chất tham gia phản ứng xà phòng hóa với các chất béo để tạo ra xà phòng. Trong công nghiệp các chất béo thường sử dụng là lauric acid, myristic acid, stearic acid… hoặc dùng các loại dầu thiên nhiên như dầu olive, dầu dừa, dầu hạnh nhân… để cho ra các dạng xà phòng thiên nhiên. Công thức được tính toán kỹ càng để luôn luôn có một tỷ lệ nhỏ chất béo còn dư lại (gọi là super fat), điều này đảm bảo kiềm đã phản ứng hết. pH của xà phòng sẽ nằm trong khoảng 9-11. Đối với việc sản xuất xà phòng công nghiệp, nhà sản xuất có thể chỉnh pH của sản phẩm bằng các tác nhân có tính acid như Lactic Acid, Citric Acid. Với xà phòng handmade làm tay bằng phương pháp lạnh thì cần trải qua thời gian phơi (quá trình Curing) tầm 4-6 tuần để pH được ổn định hơn.

Ngoài dùng kiềm để chỉnh pH, phổ biến còn dùng TEA (Triethanolamine) là một amin bậc 3 có tính kiềm mạnh. Tuy nhiên 2 chất này không được ưa chuộng trong các sản phẩm thiên nhiên vì có những hạn chế nhất định. Một chất rất hay để thay thế là L-Arginine là một acid amin có tính kiềm khá mạnh (pH từ 11-12 với nồng độ 10% trong nước). Loại base này được cho là rất an toàn để sử dụng và nó còn có khả năng chống lão hóa cho da nên được ưa chuộng rất nhiều, đặc biệt là các sản phẩm đến từ Hàn Quốc.

Một số góc nhìn sâu về kiềm trong mỹ phẩm để các bạn hiểu đúng hơn và không cảm thấy “sợ” khi đọc thành phần có các chất như SODIUM HYDROXIDE (NaOH) hay POTASSIUM HYDROXIDE (KOH).

 

Viết bình luận của bạn: