Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
29 JANUARY 2019

CÁI BẪY NHẸ NHÀNG CỦA NHỮNG CON SỐ

Cuộc sống của chúng ta ngày nay bị chi phối rất lớn bởi những con số, bảng biểu và thành tích.

Việt Nam rất chuộng con số, ví dụ như số học sinh giỏi trong lớp, tỷ lệ học sinh đỗ đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, trình độ ngoại ngữ thì đánh giá qua điểm số TOEIC, bằng B, bằng C. Làm đề tài tốt nghiệp thì tập trung vào các con số thí nghiệm …tất cả đều lượng hóa 1 cách khoa học tính và toán học tính nhất có thể. Trong tất cả các công ty, cách đặt KPI cũng thường là: bao nhiêu % tăng trưởng, bao nhiêu khách hàng mới, nhiều cuộc họp trong công ty thì 2/3 thời gian là để nhìn qua các slide chi chiết đồ thị, con số, biểu bảng, mấy bạn làm marketing online thì tập trung vào số like, share, comment trên trang của mình, biểu đồ phân tích dân cư, độ tuổi…

Bản thân mình cũng là người sùng bái các con số và thống kê, một thời mình xem các thống kê toán học là kim chỉ Nam cho tất cả các hoạt động. Nhưng sau 1 thời gian, mình nhận ra có cái gì đó thiếu thiếu, là lạ ở đây. Chẳng hạn như con số GDP của Việt Nam là 1 ví dụ, nó đang tăng lên theo các năm một cách rất ổn, thâm chí khi nhìn vào “xu hướng” này ai cũng phải phấn khởi. Tuy nhiên, cách cảm nhận của mình lại khác. Mười năm qua lên Sài Gòn mình vẫn luôn bắt gặp những người bán hàng rong, em bé bán vé số bên đường, vẫn thấy những quán cơm không hợp vệ sinh mà khách lại rất đông. Phải chăng bản chất của tăng trưởng của GDP nhằm phản ánh cuộc sống được cải thiện? Vậy tại sao mình có cảm giác là cuộc sống càng ngày càng vất vả hơn? Có lần báo chí còn nêu những phát biểu kiểu như bán vé số là người có thu nhập cao.

Tỷ lệ học sinh đỗ đại học ngày càng cao, nó có phải ánh trình độ tri thức ngày càng cao hơn? Sao mình vẫn bắt gặp những sinh viên suốt ngày ở tiệm game và học đến năm 4 rồi mà còn rất mơ hồ & yếu kiến thức? Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được tính như thế nào? Mình từng đọc một bài báo nói là 1 người bán hàng rong vẫn được tính là có công việc ổn định. Vì mình có làm mảng đào tạo nên nhiều lần chứng kiến thêm điều này nữa: Đó là sinh viên có chuẩn ngoại ngữ đầu ra là TOEIC, nhưng rất rất nhiều bạn TOEIC 500-600 điểm lại không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh ở những tình huống không lấy gì làm phức tạp. Mình cũng không giải thích được điều này. Vì theo định nghĩa khi bạn đạt TOEIC 600 là tương đương với việc bạn làm việc độc lập bằng tiếng Anh. Phải chẳng, ở Việt Nam chúng ta thích LUYỆN hơn là HỌC THỰC?

Có 1 sự thật mà không nói thì nó thiếu, mà nói ra thì nó “ngại” đó là ở Việt Nam có 1 môn mà không ai dạy, nhưng sinh viên ngành nào cũng phải biết khi làm đồ án tốt nghiệp, đó là môn GIA CÔNG SỐ LIỆU. Áp lực phải ra trường, nghiên cứu phải thành công làm cho các kết quả thí nghiệm được gia công lại 1 tí cho nó…đẹp hoặc cho nó đúng với lý thuyết nghiên cứu. Báo cáo lúc nào cũng đẹp, cũng chỉnh chu và mang logic tính nhất có thể.

Khi bắt đầu xây dựng các khóa đào tạo, mình cũng phân tích các kiểu, cũng xem độ tuổi, nhân khẩu học… do đó mình đoan chắc sinh viên sẽ là đối tượng học viên chính của Ceftworks, nhưng sau khi tiến hành thực tế, mình mới nhận ra là hơn 80% học viên là người đi làm. Sinh viên chiếm chưa đến 20%, mà rõ ràng theo “số” và “data” thì đây mới là đối tượng chính. Mình nghĩ một phần nguyên nhân là do mình đang suy nghĩ bằng cách của mình và áp đặt cho sinh viên, dẫu sao con số nó không biết nói năng mà. Chỉ khi đi làm bị đời tát cho mấy cái vào mặt thì người ta mới hiểu là mình cần gì mà theo học.

 Nhiều bạn làm Digital Marketing cứ tập trung cho bài viết thật nhiều like/share/comment và xem như là tiêu chí sống còn, bởi vậy dịch vụ bán share/like nở rộ như hoa, còn mình lại thấy 1 điều hơi ngược lại có nhiều bài đăng tuyển dụng bên Ceftworks Like/share khủng khiếp mà không có cái CV nào ứng tuyển. Trong khi có những bài viết lèo tèo like/share mà lượng CV đổ về lại nhiều chóng mặt. Sau này mình mới hiểu là nếu người ta đã muốn nộp CV cho công việc đó, người ta chỉ im lặng nộp mà không “dại” gì share/like hay comment cho người khác thấy tin hot này. Ngược lại, khi đã không hứng thú thì like/share thoải mái cho người khác thấy.

Còn rất nhiều chuyện mà nếu dùng con số để lý giải thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nỗi, chẳng hạn như: Làm quan xã thì lấy đâu ra tiền cho con du học? Bán chổi đót làm sao xây nhà trăm tỷ? Ai cũng là chiến sỹ thi đua sao mà kết quả kinh doanh vẫn bết bát? Trường nào cũng cam kết sinh viên ra trường có việc làm, sao số lượng ông thạc bà cử thất nghiệp ngày càng tăng? Số trường Đại Học, Cao Đẳng ngày càng nhiều sao chất lượng nhân lực và năng suất lao động càng ngày càng tụt hậu so với thế giới?

Cuối cùng, để kết lại bài viết này, mình xin nói lại quan điểm của mình về các con số. Con số có ý nghĩa và vai trò của nó, nhưng hãy xem nó chỉ là phần xác của vấn đề, đừng vì phần xác mà quên đi phần hồn (gốc rễ của vấn đề). Một ly nước chứa nửa ly, có người bảo nó là đầy nửa ly, có người bảo nó là vơi nửa ly. Nửa ly là 1 con số và hoàn toàn thể hiện chính xác trạng thái của ly nước lúc đó. Nhưng quyết định đổ thêm nửa ly để làm đầy hay đổ bỏ đi nửa ly để có cái ly trống lại là chuyện khác.

#CEFTworks – numeric or non-numeric

 

Viết bình luận của bạn: