Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
13 APRIL 2020

Thạch Sùng có thiếu cái mẻ kho không?

Mấy ngày work from home (làm việc tại nhà), ngồi (cũng có khi nằm) suy nghĩ vu vơ thấy mấy con Thạch Sùng bò trên tường nhà nên tự nhiên ngẫm nghĩ về câu chuyện Sự Tích Con Thạch Sùng. Mấy cái ngẫm nghĩ này chắc không phù hợp với những tích đồ mê chuyện cổ tích hay mang tinh thần nhân đạo sâu sắc nhé, nên các bạn cân nhắc khi đọc nha.

Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu của ad đó là: Thạch Sùng có thật sự thiếu cái mẻ kho không?

Quay lại với câu chuyện cổ tích này, ad có những góc nhìn khác ngày xưa cô giáo dạy một chút.

Chuyện kể rằng Thạch Sùng mục kính hiện tượng 02 con trâu trắng húc nhau và được mách bảo về trận lụt khủng khiếp sắp xảy ra. Thạch Sùng khi ấy về thu vén hết của cải tích lũy được đi mua gạo và sau đó trở nên giàu có nhờ bán gạo giá cao cho người dân vùng lũ lụt. Ngay cái chi tiết này thôi, ad đã thấy 01 Thạch Sùng rất khác với những gì được mặc định. Trong truyện cổ tích Thạch Sùng làm nghề gì? Nghề ăn xin. Vậy với 01 nghề ăn xin thì lấy đâu ra của nả để tích trữ 01 lượng gạo siêu lớn để sau này có thể giúp anh ta gây dựng cơ nghiệp? Bạn chỉ cần liên tưởng đến việc đầu cơ khẩu trang trong đại dịch covid là có thể hiểu, giá khẩu trang tăng gấp 6-7 lần, nhưng nếu bạn chỉ có 50 triệu để thu gom khẩu trang trước dịch thì liệu bạn có thể giàu có, trọc phú với số tiền lời 300 triệu không? Dĩ nhiên là không. Bạn cần phải có 5 tỷ, 10 tỷ để nhân thành 60-70 tỷ nếu bạn muốn siêu giàu từ khẩu trang. Thạch Sùng cũng vậy, anh ta đã phải sống vô cùng tiết kiệm và biết đầu tư. Anh ta đã đem số tiền xin được mỗi ngày, tiết kiệm tối đa và đầu tư thêm để xin lời, từ đó anh ta đã tích lũy được kha khá trước đại nạn. Đó là nền tảng mà không phải ai nhìn thấy 02 con trâu trắng húc nhau cũng có được, mà ad tin rằng thời điểm đó không chỉ riêng Thạch Sùng nhìn thấy hai con Buffalo này.

Như lập luận ở trên, ad tin rằng số tiền thu vén từ bán gạo trong lũ lụt cũng không thể giúp Thạch Sùng trở một bước thành đại gia ngay được, TS đã phải sử dụng rất hiệu quả đồng vốn này để phát triển các hoạt động kinh doanh về sau, đây mới chính là yếu tố then chốt giúp TS giàu nứt đố đổ vách. Việt Nam chúng ta vốn là một nền văn minh lúa nước, có lối sống cộng đồng, khinh chê nghề Thương Gia, do đó những mô tả trong câu chuyện chính là cách thức công đồng truyền tải tư tưởng “ghét” người giàu, “thương” người nghèo (Hình như đã được 01 nhà nghiên cứu văn hóa gọi tên là VĂN HÓA ÂM TÍNH), vì vậy việc mô tả lại cách làm giàu của Thạch Sùng sẽ có phần tiêu cực, đó cũng là điều có thể bắt gặp trong nhiều câu chuyện cổ tích khác. Quan điểm này có vẻ hơi ngược lại với thế giới, vì mọi lý thuyết kinh tế và tài chính đều cho rằng trong mọi cuộc khủng hoảng đều sẽ xuất hiện những các nhân kiệt xuất, những “tay nhà giàu” mới, hay những công ty định vị lại thế giới.

Tuy nhiên, điều mâu thuẫn nhất trong câu chuyện, theo ad đó là cuộc tỷ thí giữa Thạch Sùng với hoàng thân quốc thích họ Vương. Trong nguyên bản Thạch Sùng thua bằng cái cách không thể vô lý hơn được nữa đó là thua vì thiếu cái mẻ kho. Vô lý bởi vì:

- Một người tiết kiệm và dè sẽn như Thạch Sùng có đi đập nát đồ cũ của mình như chuyện mô tả không? Bạn có thấy người ta càng giàu thì người ta càng tiết kiệm không? Warren Buffett, người nhiều năm liền là tỷ thứ top đầu thế giới đi cái xe bèo còn hơn còn mèo bao nhiêu năm đấy.

- Trong chính câu chuyện cũng đã nói, mẻ kho là vật rất tầm thường và dễ kiếm ở các nhà nghèo thời đấy, vậy Thạch Sùng chỉ cần kế hoãn binh là có thể sai người làm đi mua cả chục cái mẻ kho mang về ngay lập tức

- Nhà Thạch Sùng không thiếu kẻ ăn người ở, bạn nghĩ Thạch Sùng cho họ ăn bằng chén sành, chén kiểu à?

Theo ad, Thạch Sùng không thua trong cuộc tỷ thí nhà giàu, mà thua do cuộc đấu giữa Dân và Quan. TS giàu cỡ nào thì cũng là dân, mà dân đấu với quan thời ấy thì chỉ có chết, tội của TS là tội giàu hơn quan, thế thôi, và để hợp lý hóa cái chết của Thạch Sùng thì người ta phải đẻ ra việc thiếu mẻ kho. Vâng! Thiếu cái mẻ kho là đáng đời cho một đứa giàu.

#CEFTworks – Cổ tích của người lớn

Viết bình luận của bạn: