Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
19 NOVEMBER 2018

Tập Trung Vào Điều Mình Không Hứng Thú

Thông thường đã là con người thì ai cũng có 1 tính cách đó là: Yêu quý và tập trung vào bản thân mình và có phần xem nhẹ người khác.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho việc này đó là khi chúng ta báo cáo tiểu luận, xu hướng chung đó là mình chỉ tập trung vào phần báo cáo của nhóm mình mà thôi. Khi đến những chủ đề khác, không do chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ rất ngao ngán nghe thuyết trình. Tâm lý này mình đã quan sát rất rất nhiều sinh viên ở rất rất nhiều trường. Vậy hệ quả của việc này là gì?

Hệ quả trong ngắn hạn: Chúng ta bị hổng khá nhiều kiến thức. Thông thường 1 môn chuyên ngành có 2 tín chỉ, tương đương 30 tiết, nhưng thời gian báo cáo là rất nhiều, do đó nếu không tập trung vào phần thuyết trình của các nhóm khác thì chúng ta  học 1 môn chuyên ngành chẳng khác nào thầy bói mù xem voi vậy.

Hệ quả trong dài hạn: Chúng ta ra trường, trở thành nhân viên của của một công ty, tổ chức nào đó. Cho dù đã là người đi làm thì xét cho cùng về mặt tư duy là không đổi. Chúng ta chỉ có già đi và lo nhiều hơn thôi. Với thói quen chỉ tập trung vào cái của mình mà không quan tâm công việc của người khác, chúng ta rất dễ mất đi sự CỘNG TÁC – collaborate/ partnership trong công việc. Khốn khổ thay, trong 1 môi trường làm việc nếu ta không thể cộng tác với người khác, phòng ban khác thì ta rất dễ bị đào thải khỏi tổ chức.

Việc có khả năng tập trung vào điều mình không hứng thú, nghe có vẻ hơi “xa xỉ”, nhưng thật chất nó lại giúp bạn nhanh chóng có được kỹ năng và kinh nghiệm trong môi trường lao động ngày nay.

Ví dụ dễ hiểu như thế này nhé: Bạn là 1 nhân viên vận hành máy chiết rót, lẽ dĩ nhiên bạn phải rất tập trung vào công việc này của mình, nhưng đồng thời bạn vẫn cần quan sát, chú ý, tập trung vào công việc của QA/QC; Kho; Kế hoạch và cố gắng học nhiều nhất có thể từ họ. Vậy tại sao phải làm thế? Câu trả lời như sau: Khi gặp 1 sự cố nào đó trong quá trình làm việc, bạn sẽ là người cùng với các bộ phận khác giải quyết nguyên nhân. Nếu bạn hiểu được nhân viên QA cần dữ liệu gì, bạn Kho cần con số nào thì bạn sẽ có sự chuẩn bị để giúp vấn đề được giải quyết nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Có 1 bí mật mà mình cũng muốn nói với các bạn: Sếp có nhìn thấy khả năng và năng lực của 1 người để cất nhắc lên vị trí cao hơn hay không đều thông qua 2 lăng kính: thứ 1 – chất lượng công việc bạn làm và thứ 2 – Sự nhận xét của các phòng ban liên quan về bạn. Bạn chỉ có được lời nhận xét tích cực từ đồng nghiệp nếu bạn thực sự hiểu họ và cộng tác được với họ!

Viết bình luận của bạn: