Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
06 DECEMBER 2021

QC (Quality Control) và QA (Quality Assurance)

QC (Quality Control) và QA (Quality Assurance) – Và bảo hiểm nhân thọ

Nếu bây giờ mà search trên internet các bài viết so sánh về QA và QC thì có lẽ đọc tới sáng không hết. Nhưng bài viết này, với một góc nhìn “cơ bản” hơn, “thân thiện” hơn, hy vọng sẽ giúp các bạn còn mơ hồ về 2 vị trí trí này (đặc biệt là các bạn sinh viên) dễ dàng hình dung nhất về 2 vị trí trên.

Mình xin bắt đầu với câu chuyện: Bảo hiểm nhân thọ. Câu hỏi đặt ra: Tại sao trong các năm gần đây, bảo hiểm nhân thọ rất phổ biến, nếu bạn nào ở quê sẽ thấy, ai ai cũng mua bảo hiểm.

 Câu trả lời là: Ngày xưa không có tiền ăn, thì chỉ cần có ăn là mừng lắm rồi, khi nào bị ốm đau bệnh tật thì đi chữa bệnh thôi, Bây giờ “giàu” rồi, thì phải tính xa hơn chứ, nhỡ có bệnh gì thì tiền đâu chữa, chi phí giờ đắt đỏ quá….

Vậy sản xuất thì có liên quan gì ở đây?

1. Ngày xưa, “đói khổ”, không đủ nhân lực, không đủ “nhận thức” để đi trước đón đầu, nên tập trung chủ yếu vào kiểm soát (QC):

Kiểm soát ở đây mình hình dung là gì? Là kiểm tra việc tuân thủ: Quy trình quy định A -> B -> C, thì QC kiểm tra xem bạn công nhân, bạn kĩ sư có tuân thủ đúng quy trình này hay không? Hay là lúc buồn ngủ quá, lúc vội quá chỉ làm A -> C.

Hay kiểm soát ở đây là hàng hóa ra 1000 cái, QC lấy 100 cái kiểm tra, nếu có vấn đề thì giữ lô hàng lại….

 Mình hiểu nôm na, việc kiểm soát như vậy, thì chỉ mang tính chất xử lý chuyện đã rồi, khắc phục là chủ yếu, nếu quy mô nho nhỏ thì chỉ việc lấy cái hư đi bỏ, đi tái chế, đi bán rẻ hơn thì coi như giải quyết được.

Đó, mình hình dung QC là như vậy nhé: vì vậy các vị trí QC thường dành thời gian nhiều cho hiện trường: Nhà máy, nhập nguyên liệu, kiểm tra thành phẩm,…

Do đặc thù như vậy, nên QC thường yêu cầu các bạn kỹ tính, có khả năng quan sát và hơi “nguyên tắc” tí.

2. Nhưng xã hội bây giờ thay đổi nhiều quá:

- Quy mô được mở rộng, hư 1 lô hàng có nước bán nhà mà trả.

- Dây chuyền công nghệ hiện đại, sai 1 ly đi 1 dặm.

- Có tiền rồi, có nhận thức rồi, không còn ngại ngùng nữa.

- Đặc biệt là truyền thông bây giờ quá dữ, chỉ cần hộp sữa bị phồng, chai nước có ruồi thôi là cũng đủ hủy hoại cả 1 doanh nghiệp….

Thì ngoài việc QC, người ta quan tâm hơn đến việc QA (Đảm bảo chất lượng). Thực ra trong cái tên: Assurance thì mình cũng có thể hình dung công việc rồi: việc phát triển đội ngũ QA cũng giống như doanh nghiệp đang “Mua bảo hiểm” cho mình. Ở đây mang tính chất hoạch định, đánh giá các rủi ro “có thể” xảy ra và có các hành động “phòng ngừa” trước, để giảm thiểu tối đa rủi ro việc tồi tệ có thể xảy ra.

 Nên công việc của QA thì chủ yếu liên quan đến có nội dung trên: Xây dựng các hệ thống, quy trình để phòng ngừa các rủi ro, mà ở đây quen thuộc nhất là hệ thống HACCP (chắc nhiều bạn biết),… Chính các bạn QA là người xây dựng các quy trình, quy định để các bạn QC theo đó mà thực hiện và theo dõi. Vì vậy, vị trí QA cũng thường đòi hỏi nhiều hơn, đặc biệt là khả năng hệ thống hóa, có khả năng nhìn vấn đề một cách chi tiết và bao quát, Có khả năng văn bản hóa các quy định,…

Như vậy, QA và QC là 2 vị trí có tính chất công việc "khá khác biệt", tuy nhiên, lại có liên hệ mật thiết với nhau.

Ở trên là góc nhìn của mình về 2 vị trí QA và QC, với mục đích không phải để so sánh hơn thua giữa các vị trí, mà như đã đề cập ban đầu, hy vọng giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn, để định hướng tốt hơn cho công việc của mình.

#CEFTworks #CEFTacademy #QA #QC #JobsOrientation

Viết bình luận của bạn: