Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
20 APRIL 2020

Nghề Kiểm Nghiệm Vi Sinh (Microbiologist):

Vì may mắn kinh qua một số vị trí trong mảng Kiểm Nghiệm Vi Sinh nên mình xin phép viết ra để chia sẻ với một số bạn trẻ hơn mình có cái nhìn tổng quát về nghề này nha.

Về phần Kiểm Nghiệm - hay rộng hơn là liên quan đến vi sinh có một số mảng chính mà mình biết như sau:

  1. Phần nghiên cứu vi sinh cơ bản (ở các Trường/Viện)

Về cơ bản thì bạn sinh viên nào học các nghành liên quan đến thực phẩm, vi sinh,… cũng trải qua giai đoạn này. Chủ yếu là nghiên cứu sự ảnh hưởng của nhân tố A đến nhân tố B, tối ưu hóa, chuẩn hóa. Phần này chủ yếu là hệ thống kiến thức, và phát triển lập luận, tư duy phản biện cho các bạn sinh viên, chứ mang nguyên si áp dụng vào thực tế thì sẽ ít.

  1. Phần Kiểm nghiệm trong mảng thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, nước,…

Đây được xem là một trong những mảng chính và nhiều job nhất. Hiện mảng này có 2 kỹ thuật chính: kỹ thuật nuôi cấy vi sinh (culture – cấy ria trên thạch, dịch, quan sát khuẩn lạc) và kỹ thuật Sinh học phân tử (Molecular Biology). Hiện tại nhóm thứ 2 đang dần rất phát triển vì ưu điểm nhanh, gọn, lẹ của nó. Các công việc liên quan đến kiểm nghiệm thực phẩm, bạn có thể làm ở 2 nhóm công ty.

-Thứ nhất, là làm ở các công ty chuyên phân tích dịch vụ, có nghĩa là chuyên đi phân tích thuê cho các đơn vị sản xuất (đơn vị sản xuất A, B, C, D, sau mỗi lô sản phẩm, hoặc sau khi phát triển sản phẩm, sẽ gửi mẫu kiểm đến đây để kiểm tra vi sinh xem có đạt tiêu chuẩn nội bộ, TCVN, QCVN hay không) một số công ty dạng này là CASE, SGS, BV, TUV…. Làm chuyên viên phân tích vi sinh ở các công ty này thì bạn sẽ được học rất rất nhiều thứ

+Được rèn luyện trong môi trường này thì basic của bạn sẽ rất vững.

+ Bạn có thể được tiếp xúc với đa dạng các mẫu: thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, nước…được làm với bào ngư, vây cá có đến phân, nước thải.

+ Bạn được update các tiêu chuẩn ISO, AOAC mới nhất; bạn học được rất nhiều chỉ tiêu: Tổng số vi sinh vật hiếu khí (TPC) của mẫu này thì ủ ở 37 độ, mẫu kia 30 độ, còn mẫu nọ lại 25 độ; S.aureus của mẫu này thì dùng ống, của mẫu kia thì dùng thạch, của mẫu nọ thì dùng cả 2, rất đa dạng.

Nếu như ở trường cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, thì ở đây được xem là mái trường thứ 2, cung cấp cho bạn các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao để phát triển con đường sự nghiệp của mình.

Vì vậy, nếu bạn muốn theo con đường kiểm nghiệm, thì tốt nhất là nên nhảy vào đây đầu tiên. Ở đây cũng thường có cả phương pháp (method) nuôi cấy và sinh học phân tử với trang thiết bị khá xịn xò.

-Nhóm thứ 2 là làm tại các lab nội bộ, quy mô các lab này thường sẽ nhỏ hơn ở nhóm số 1, thành viên cũng sẽ ít hơn, Và các mẫu thay vì gửi cho công ty dịch vụ kiểm tra thì công ty tự kiểm tra để tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và bảo mật thông tin. Và nhóm này chủ yếu là sử dụng phương pháp nuôi cấy vi sinh, chỉ có một số công ty đặc thù thì mới sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử.

Nếu như ở nhóm phân tích dịch vụ, các bạn vừa học được cả chiều sâu và cả chiều rộng, nhưng chiều rộng ở đây được giới hạn chỉ trong mảng vi sinh phân tích. Còn làm ở Lab nội bộ của công ty sản xuất, ngoài kiến thức về vi sinh bạn lượm lặt được, thì bạn còn học được rất nhiều thứ: xưởng hoạt động như thế nào? sản phẩm này quy trình sản xuất như thế nào, và có rủi ro nào liên quan đến vi sinh, hóa lý? Có phải khi có kết quả vi sinh là kết luận rồi quăng kết quả ra thôi không? Học được các vấn đề liên quan đến Quality assurance, Biết được team production, team planning, team Warehourse,… hoạt động như thế nào, và liên quan gì đến mình….

  1. Phần Xét nghiệm trong mảng Thú y/THủy sản; Heo, bò, gà, vịt, tôm, cá

Phần xét nghiệm thú ý cũng có 2 nhóm phương pháp chính như ở thực phẩm: Nuôi cấy vi sinh và sinh học phân tử. Công việc liên quan đến mảng này khá đặc thù, vì vậy tuyển dụng cũng không nhiều.

+ Phương pháp nuôi cấy vi sinh: Chủ yếu sử dụng phương pháp cấy ria trên thạch (giống xét nghiệm người). Khác với thực phẩm, Các phương pháp kiểm nghiệm trong thu ý chủ yếu là các phương pháp nội bộ, ít có ISO hay AOAC hay TCVN để tham khảo, vì vậy đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm lâu năm, kiến thức vững; nếu không thì cũng khá là khó khăn trong giai đoạn đầu.

+ Phương pháp sinh học phân tử: được sử dụng rất phổ biến trong thú y, đặc biệt là ELISA.

            ++ Elisa: sử dụng để chẩn đoán trên heo, bò, gà, vịt, kiểm tra hiệu quả tiêm phòng vaccine cho các loại gia súc trên. Kỹ thuật này sử dụng rất phổ biến.

            ++ PCR: Lại được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh trên cá, tôm – các bệnh liên quan đến virus: WSSV. Ở castle vẫn sử dụng PCR, nhưng ít hơn Elisa.

  1. Xét nghiệm liên quan đến bệnh con người:

(Mảng này mình chưa kinh qua nên không phát ngôn bừa)

  1. Các chẩn đoán di truyền: các kỹ thuật di truyền như tìm quan hệ cha con, Bệnh/dị tật liên quan đến gen. (Mảng này mình cũng chưa kinh qua)

Trong quá trình làm việc, thì mình cũng nhận thấy một số vấn đề:

  • Đa phần hóa chất, thiết bị đều nhập từ nước ngoài về (Merck, Memmert, Ependorf,…), mặc dù hiện tại một số công ty việt nam sản xuất hóa chất rất phát triển, nhưng thực tế chiếm một phần nhỏ.
  • Cũng như các vị trí khác, nếu chỉ cố gắng trong phạm vi của mình thì cùng lắm bạn chỉ là vị trí Lab manager. Nếu muốn phát triển thêm thì phải học nhiều liên quan đến các bộ phận, phòng ban khác.

Bài viết còn nhiều thiếu sót mong mọi người góp ý nhé.

#CEFTworks - Microbiologist

Viết bình luận của bạn: