Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
16 AUGUST 2021

LỰA CHỌN KEM CHỐNG NẮNG PHÙ HỢP VÀ KHOA HỌC

Ở bài viết trước chúng ta đã hiểu rõ hơn về cơ chế chống nắng vật lý và chống nắng hóa học, vậy lựa chọn nào phù hợp cho làn da của bạn, cùng tìm hiểu nhé.

Trước hết, bạn phải hiểu được làn da của mình là loại da nào: da khô, da thường, da dầu hay da nhạy cảm và lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp với loại da của bạn. Thông thường khi điều chế một sản phẩm, bộ phận nghiên cứu (R&D) sẽ có mục đích rõ ràng rằng sản phẩm này dành cho loại da nào, thông tin này có thể được thể hiện trên nhãn chai. Tùy vào mục đích cho mỗi loại da mà được làm từ những nguyên liệu khác nhau, tạo ra những nền sản phẩm khác nhau như dạng cream, gel, lotion, milk, spray (xịt phun sương).

Bật mí một số mẹo nhỏ để bạn dễ lựa chọn cho từng loại da:

-Với da khô: nên lựa chọn sản phẩm có chứa các thành phần làm ẩm, làm mềm da hoặc loại dành cho da khô có ghi sẵn trên nhãn (for dry skin). Tốt nhất nên có bước serum và kem dưỡng cấp ẩm trước bước kem chống nắng để tránh tình trạng da khô, căng khó chịu.

-Với da thường: loại da này rất dễ chịu, trên nhãn thường ghi phù hợp với mọi loại da (for all skin types)

-Với da dầu: trên nhãn chai ghi cho da dầu (for oily skin) thường có kết cấu dạng gel, dạng milk thật mỏng nhẹ, thông thoáng không gây bí da. Thành phần thông thường sẽ không chứa dầu (oil free), không gây nhờn da (no sebum), có khả năng chống trôi (water resistant).

-Với da nhạy cảm: trên nhãn chai sẽ ghi cho da nhạy cảm (for sensitive skin), nên tránh sản phẩm chứa hương liệu(Fragrance), cồn khô(Alcohol), paraben, các thành phần chống nắng hóa học như oxybenzone, Para-Aminobenzoic Acid (PABA), Octorylene…

Tiếp theo là một số hoạt chống chống tia UV thường sử dụng trong kem chống nắng, thường nằm trong top 10 thành phần đầu tiên trong bảng thành phần, cần phải có đủ các chất chống tia UVA và UVB thì đó mới là kem chống nắng chất lượng nha:
 

-Zinc oxide(ZnO): chống được cả UVB(290nm-320nm), UVA2(320-340nm), UVA1(340-400nm), là thành phần chống nắng vật lý rất tốt, ổn định, rất ít gây kích ứng da, được phép dùng tối đa 25% trong công thức. Nếu da nhạy cảm nên ưu tiên lựa chọn thành phần này.

-Titanium dioxide( TiO2) bộ đôi thường đi chung với ZnO, thuộc chất chống nắng vật lý. TiO2 có khả năng chống được tia UVB và UVA2, nhược điểm là làm nâng tone da, làm trắng bệt nên được sử dụng ở nồng độ thấp hơn so với ZnO

-Homosalate: chống lại tia UVB, nồng độ tối đa được phép sử dụng ở Mỹ là 15% và ở EU là 10%. Giúp tăng khả năng chống nước cho kem chống nắng. 

-Octocrylene: Thành phần này chống lại tia UVB với nồng độ tối đa được phép sử dụng là 10%.

-Ethylhexyl Salicylate hay Octyl Salicylate thành phần chống lại tia UVB. Ở Mỹ & châu Âu, Ethylhexyl Salicylate được sử dụng tối đa trong mỹ phẩm là 5%, còn ở Nhật là 10%.

-Octyl Methoxycinnamate: là thành phần chống nắng lâu đời, hấp thụ được tia UVB, cho phép sử dụng tối đa 10% ở Mỹ và 7.5% ở Châu Âu.

-Oxybenzone: tăng cường bảo vệ da bởi tia UVB và đây cũng là một thành phần gây tranh cãi khi nó có khả năng gâu viêm da tiếp xúc, hoạt chất này được hấp thụ tốt vào da và được tìm thấy trong nước tiểu, do đó khuyến nghị không dùng thành phần này cho sản phẩm chống nắng trẻ em.

-Ethylhexyl Triazone: thành phần chống nắng hóa học thế hệ mới. Thành phần này có khả năng chống lại tia UVB.

-Butyl Methoxydibenzoylmethane hay còn được gọi là Avobenzone: thành phần chống lại tia UVA với nồng độ tối đa được sử dụng là 3%, rất dễ thoái hóa dưới ánh nắng mặt trời (thoái hóa 36% sau 15 phút tiếp xúc với mặt trời)

-Bis-Ethylhexyloxyphenol Methoxyphenyl Triazinel: thành phần chống nắng thế hệ mới. Nó là thành phần chống nắng hóa học phổ rộng (UVA +UVB) với nồng độ tối đa được phép sử dụng là 10%.Thành phần này còn giúp ổn định các thành phần chống nắng khác như Avobenzone. Nó chưa được FDA chấp thuận, vì vậy bạn sẽ không tìm thấy nó trong các sản phẩm kem chống nắng được sản xuất tại Mỹ.

-Methylene Bis-Benzotriazolyl Tetramethylbutylphenol: thành phần chống nắng phổ rộng thế hệ mới với nồng độ tối đa được phép sử dụng là 10%.Nó chưa được FDA chấp thuận. 

Hy vọng những kiến thức trên có thể giúp bạn lựa chọn một loại kem chống nắng phù hợp và rất chất lượng. Đọc bảng thành phần kem chống nắng của bạn xem thử có bao nhiêu hoạt chất chống nắng mình đã nêu như trên nhé!

 

Viết bình luận của bạn: