Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
14 MARCH 2021

Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Quản Lý Sản Xuất

Cách đây rất lâu, mình đi phỏng vấn vị trí Production Supervisor của 1 công ty khá lớn trong ngành thực phẩm. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn với nhân sự (chủ yếu nói là nhân sinh quan, quan điểm trong công việc, những kinh nghiệm đã trải qua và lý do tại sao lại muốn làm việc tại công ty này) và vòng làm bài kiểm tra chuyên môn (Bao gồm các kiến thức về an toàn lao động, đọc 1 bản vẽ quy trình công nghệ, tính OEE thiết bị khuấy trộn, tình huống giải quyết khi quản lý ca, kiến thức quản lý chất lượng…). Mình gặp anh sếp trực tiếp để phỏng vấn vòng cuối cùng. Hai anh em trao đổi chừng chục câu bằng tiếng Anh về quan điểm sống và về bộ phim mà mình thích xem. Lúc này, có vẻ mọi thứ đang rất suôn sẻ thì anh sếp đặt ra cho mình 1 câu hỏi tình huống, mang tính chất “Get in” or “Get out”.

“Nếu ca sản xuất ban đêm của em trộn 1 sản phẩm dầu gội (background mình làm Hóa Mỹ Phẩm) và bị “out” pH, em phải giải quyết như thế nào và làm sao em biết được nguyên nhân gốc rễ ở đâu mà giải quyết, tránh việc này lặp lại trong tương lai?”

Mình cũng cố gắng suy nghĩ và vận dụng vốn kinh nghiệm ít ỏi lúc đó để trả lời câu hỏi xương xẩu này:

“Trước tiên em sẽ phải biết nó out pH là cao hơn hay thấp hơn chuẩn, nếu cao hơn em sẽ tìm xem có phải nhóm sản xuất đã cho dư nguyên liệu có tính kiềm hay không, nếu pH thấp hơn chuẩn em sẽ xem có phải đã cho dư nguyên liệu có tính acid hay không. Em sẽ ra kho cân lại những chất này để đối chiếu. Xem lại các giấy tờ của ca làm việc để hiểu nguyên nhân. Đào tạo lại nhân viên để họ không làm sai nữa…”

 

Câu trả lời của mình không được anh sếp chấp nhận vì nó…không áp dụng được ở thực tế. Theo ảnh giải thích: Trong sản xuất chấp nhận 1 tỷ lệ hao hụt nhất định, nếu em căn cứ vào lượng nguyên liệu tồn kho để áp đặt ĐÚNG or SAI thì người ta sẽ không phục. Em coi lại các giấy tờ trong ca sản xuất lại càng khó, vì khi có sự cố người ta đã BÙA những con số rất đẹp vào hồ sơ, em sẽ không thấy dấu vết gì trong đó. Và 1 điều anh thấy là sao em chưa gì đã nghĩ team em sai? Sao em không nghĩ nguyên liệu sản xuất có vấn đề? Sao em không nghĩ mẫu vừa sản xuất ra cần có thời gian ổn định pH, sao em không nghĩ là do sai lệch phương pháp đo…?

Bữa phỏng vấn đó khiến mình rút ra được rất rất nhiều bài học. Bài học về việc thỉnh thoảng nên đi phỏng vấn để xem mình đang ở đâu so với thị trường tuyển dụng, qua đó biết mình còn cần học thêm điều gì. Bài học về những điều mà mình tạm gọi nó là “điểm chạm”. Những “điểm chạm” là những thời điểm mà tại đó nó giúp bạn Khai Minh được 1 vấn đề mà bạn bị rối, bị tắt từ lâu mà không có cách nào thông suốt được, nó có thể không đến 1 cách trực tiếp với bạn, mà thông qua 1 luồng thông tin, 1 kinh nghiệm chia sẻ nào đó, bạn tự “Ngộ” ra được.

Lý thuyết “điểm chạm” cũng là kim chỉ Nam cho mình khi xây dựng các chương trình đào tạo tại CEFTworks. Mình hay thường chia sẻ với các học viên của CEFTworks như thế này: Ví dụ, em đang làm bộ phận sản xuất, về bản chất lõi, em không cần phải đi học Quản Lý Sản Xuất, vì công việc em làm từ từ chính nó sẽ dạy em cách làm sao phù hợp với tổ chức và công việc đó. Nhưng nếu em tham gia các khóa học, được trao đổi và chia sẻ từ những con người có 20 năm kinh nghiệm trong lãnh vực em làm, em sẽ tìm thấy những “điểm chạm” một cách tự nhiên nhất, đó chính là giá trị các khóa học của CEFTworks có thể mang lại cho em hơn cả bằng cấp mà chúng tôi vẫn cấp cuối khóa. Khi đó, thay vì em mất 5 năm để có thể tích lũy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để giải quyết khúc mắc trong công việc, để thăng tiến thì em chỉ cần 1 -2 năm để thấu hiểu những điều đó thông qua các “điểm chạm”. Thay vì em phải đau đầu nghĩ cách làm sao sắp xếp ca kíp cho công nhân thì thông qua các “điểm chạm”, em sẽ có phương pháp phù hợp, khi đó em sẽ thể hiện được năng lưc của mình với tổ chức. Một khóa học trọn vẹn 3 ngày, đôi khi chỉ cần 1-2 điểm chạm là đã đủ em “thu hồi” vốn rồi.

Viết bình luận của bạn: