Bạn có bất kỳ câu hỏi nào? 0935314588 ceftworks@gmail.com
13 JUNE 2019

Chuyện nghỉ việc và cách thức “ra đi” trong êm đẹp, để lại ấn tượng tốt

 

Bạn đã quyết định nghỉ việc cũng như đã trình bày với sếp về điều này. Tuy nhiên, vượt qua cuộc nói chuyện đầy thử thách với sếp chưa phải là kết thúc. Bởi ngoài sếp, bạn còn phải đối diện với những câu hỏi liên quan đến chuyện bạn nghỉ việc từ rất nhiều người khác, trong đó có những người đồng nghiệp mà bạn đã cùng làm việc chung. Bạn có cần phải gặp từng người để nói chuyện, hay chỉ cần gửi mail là đủ? Làm thế nào để thông báo cho mọi người biết việc bạn nghỉ việc mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt cũng như thể hiện sự tôn trọng của mình đối với công ty?

Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia

Bởi vì bạn đã cố gắng làm việc hết mình để “lọt vào mắt xanh” của các cấp quản lý, vì thế nên ngay cả khi bạn rời công ty vẫn nên để lại cho họ ấn tượng tốt. Jodi Glickman – tác giả quyển sách Great on the Job đồng thời là cộng tác viên sách HBR Guide to Getting the Right Job nhận định: “Kinh doanh chính là các mối quan hệ”.

Cô cũng nói: “Ngay cả khi bạn đang sắp được làm công việc mà mình mơ ước thì bạn cũng sẽ chẳng nhận được lợi ích gì nhiều từ công việc mới đó nếu bạn đã vô tình phá vỡ các mối quan hệ cũ hoặc tạo cảm giác tiêu cực cho mọi người khi rời khỏi công ty cũ.”

Karen Dillon – tác giả cuốn sách HBR Guide to Office Politics đồng thời là người đồng sáng tác quyển Competing Against Luck cho rằng: “Nghỉ việc thực tế đòi hỏi phải được lên kế hoạch một cách cẩn thận, từ cách bạn nói với mọi người đến thời điểm mà bạn giao lại trách nhiệm của mình.”

Dưới đây là cách mà bạn có thể tham khảo trước khi rời khỏi công ty:

Lên kế hoạch cùng sếp

Bạn không cần thiết phải thông báo cho mọi người biết chuyện bạn sẽ nghỉ việc nếu trước đó bạn chưa chắc chắn mà mới chỉ có dự định. Trước khi nói ra cho “cả thế giới” biết, hãy thảo luận với sếp trước tiên về kế hoạch của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ không gặp trở ngại trong việc giải quyết các câu hỏi liên quan đến đồng nghiệp, khách hàng, công việc sau này. Hãy luôn ghi nhớ rằng, sự chuẩn bị chưa bao giờ là thừa.

Trực tiếp nói với mọi người

Thư điện tử ngày nay rất phổ biến, nhưng thật khó để chúng có thể thay thế những cuộc trò chuyện trực tiếp, đặc biệt là khi trao đổi công việc cùng những đồng nghiệp thân thiết hay cấp dưới. Việc trực tiếp nói cho cố vấn, “bạn thân” trong công ty cũng như những đồng nghiệp khác mà công việc của họ có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn nghỉ thể hiện rằng bạn lịch sự cũng như tôn trọng họ. Hãy lên một kế hoạch xem hôm nay bạn sẽ kể chuyện này cho những ai, ai nên kể trước, ai nên kể sau. Ngoài ra, thật khó để yêu cầu những người này giữ bí mật chuyện nghỉ việc cho bạn. Tuy nhiên, hãy thử “nhờ” họ một cách nhẹ nhàng rằng bạn thật sự không muốn câu chuyện mà bạn kể được truyền tai khắp mọi nơi.

 

Tập trung hướng đến tương lai

Nếu lí do khiến bạn quyết định rời khỏi công ty cũ là điều khá tiêu cực, ắt hẳn bạn sẽ có những cảm giác bất an như nghĩ rằng mình thiếu năng lực, cấp trên không quý mình. Thế nhưng, hãy giữ trong lòng, đừng tìm ai đó để “trút bầu tâm sự” và tuyệt đối không được nói xấu công ty, đồng nghiệp. Khi mọi người xung quanh hỏi bạn về lí do nhảy việc của bạn, đừng phàn nàn hay kêu ca về bất kì chuyện gì mà bạn từng bất bình trong quá khứ. Theo ông Dillon, bạn nên trả lời bằng cách cho mọi người thấy rằng bạn chuyển công ty là do bản thân muốn tìm kiếm những cơ hội phát triển chứ không phải là vì những bất mãn cá nhân.

Tận dụng “sự ra đi” của mình để mang lại cơ hội cho người khác

Việc bạn chuyển đi có thể được ví như cơ hội cho những nhân viên khác thăng tiến. Nếu trong phòng ban của bạn có ai đó đang nuôi nguyện vọng được thăng tiến, hãy cho họ biết cơ hội sắp đến và khuyến khích họ nắm bắt. Tuy nhiên, bạn không nên hứa hẹn những điều mà mình không thể làm được. Ngoài ra, bạn cũng có thể trò chuyện với sếp về chuyện này. Trong trường hợp sếp của bạn có hỏi những câu hỏi như ai sẽ là người tiếp tục tiếp quản dự án mà bạn từng làm, hay ai sẽ đảm nhiệm các đầu công việc khi bạn vắng mặt, hãy cam kết với sếp là bạn sẽ tự tìm hiểu xem ai là người phù hợp. Có thể nói, việc bạn đề xuất cơ hội thăng tiến và phát triển cho ai đó là một hành động được đánh giá cao trước khi bạn nghỉ việc.

Đừng cho rằng không ai có thể thay thế bạn

Khoảng thời gian kể từ lúc bạn cho mọi người biết rằng mình sẽ nghỉ việc đến lúc bạn thật sự nghỉ việc quả thật rất khó xử. Chúng ta thường nghĩ rằng chẳng ai có thể thay thế mình trong mắt đồng nghiệp, thế nhưng có thể bạn phải đối diện với chuyện mình đột nhiên không được mời tham dự các cuộc họp hay cùng mọi người thảo luận những vấn đề quan trọng như trước. Đừng để bản thân bị phân tâm chỉ vì nghĩ rằng mình đang bị mọi người loại trừ. Hãy nhớ rằng, bạn đã chọn nghỉ việc, và dù bạn có nghỉ hay không thì công ty của họ vẫn phải tiếp tục hoạt động. Thay vì nghĩ quá nhiều về cảm giác lạc lõng khi không còn được tham dự những cuộc gặp mặt cùng mọi người trong công ty, hãy chắc chắn rằng bạn không quên nói lời tạm biệt với những người đồng nghiệp mà mình yêu mến cũng như tìm cách để giữ liên lạc với họ.

Làm việc hết mình đến ngày cuối cùng

Đừng “đạp đổ” mọi nỗ lực và hình ảnh đẹp của bạn trong mắt mọi người chỉ vì những ngày cuối cùng có phần xao nhãng và chểnh mảng trong công việc. Hãy đảm bảo rằng các tập tài liệu đã được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp và khách hàng đã được chuyển giao kịp thời. Đồng thời, hãy dành thời gian cho việc suy nghĩ và biết ơn về những gì mà công ty này đã mang đến cho bạn trong suốt khoảng thời gian làm việc trước đây. Bởi lẽ sau này, bạn hoàn toàn có thể gặp lại quản lý và đồng nghiệp cũ tại công ty khác, nhất là khi bạn vẫn còn làm ngành đó.

Glickman nói: “Con đường sự nghiệp của bạn còn rất dài và bạn sẽ không thể nào biết cơ hội tiếp theo sẽ đến từ đâu!”.

Một số nguyên tắc bạn cần nhớ

Nên:

  • Trực tiếp thông báo chuyện nghỉ việc của bạn cho những đồng nghiệp thân thiết thay vì qua mail.
  • Đừng cảm thấy lạc lõng vì không được tham gia những cuộc gặp gỡ, thảo luận cùng mọi người trong khoảng thời gian trước khi bạn rời đi.
  • Để xuất cơ hội thăng tiến cho đồng nghiệp ở vị trí mà bạn chuẩn bị rời đi.

Không nên:

  • Chỉ trò chuyện và thảo luận với sếp về chuyện bạn nghỉ mà không bàn bạc với đồng nghiệp. Điều này khiến họ loay hoay không biết công việc của mình và cả nhóm sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau khi bạn rời đi.
  • Buông lơi công việc sau khi bạn thông báo nghỉ việc.
  • Để lại cảm giác bất hòa, nghi ngờ lẫn nhau cho mọi người.

 

Nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn để thực hiện những điều trên, 2 câu chuyện thực tế dưới đây có thể sẽ giúp bạn phần nào tìm ra giải pháp thích hợp cho mình.

Câu chuyện #1: Khuyến khích các đồng nghiệp nêu quan điểm

A. từng làm 7 năm trong lĩnh vực tiếp thị tại một nhà bán lẻ điện tử chuyên bán hoa, và mặc dù cô ấy rất yêu thích công việc của mình cũng như đồng nghiệp, nhưng cô vẫn cảm thấy đã đến lúc mình cần phải có những bước tiến mới trong sự nghiệp. Sau khi được nắm giữ vai trò quản lý tại một chuỗi cửa hàng kinh doanh nhạc cụ lớn, cô đã đưa cho các sếp của mình một thông báo. Cô đợi cho đến sau một thời gian kinh doanh quan trọng – ngày Lễ tình nhân, trôi qua mới ngồi xuống từng nhóm một để cho họ biết tin tức để không khiến mọi người phân tâm.

A. cho rằng một trong những điều tốt nhất cô ấy đã làm trong những tuần cuối cùng trước khi nghỉ việc là tiếp cận một người đồng nghiệp ngang cấp và đề nghị anh ấy đảm nhận vị trí của mình sau này để mở rộng các kỹ năng cũng như công việc của phòng ban không bị gián đoạn. Cô cho biết: “Cả anh ấy và tôi đã tham gia vào lĩnh vực marketing kỹ thuật số từ rất sớm, và tôi muốn thấy anh ấy tiếp tục phát triển. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu anh ấy có cơ hội mở rộng danh mục dự án của mình nên đã đề nghị anh ấy nắm giữ vị trí của tôi để điều hành nhóm của tôi, đồng thời cả nhóm cũ của anh ấy nữa!”

Kết quả là, người đồng nghiệp đó và A. đến nay vẫn giữ liên lạc với nhau, và điều khiến cô hài lòng nhất chính là nhóm mà cô đã xây dựng đến nay vẫn được tiếp tục phát triển và gặt hái được nhiều thành công.

Câu chuyện #2: Những nguy cơ của việc nghỉ việc sớm

S. đã cảm thấy ngày càng thất vọng vì các hoạt động quản lý kém hiệu quả đang diễn ra tại một công ty tiếp thị trực tuyến mà anh ta từng làm việc. S. đã nghỉ việc để trở thành một người làm việc tự do chuyên tư vấn chiến lược. Trước đó, anh cũng đã chia sẻ với ông chủ về dự định nghỉ việc, thậm chí quyết tâm từ chối lời đề nghị tăng lương của ông chủ để ra đi. Sau bốn tuần lên kế hoạch cho ngày cuối cùng làm việc của mình, S. đã nói với một số đồng nghiệp thân thiết về chuyện mình nghỉ.

Tuy nhiên kể từ sau đó, anh dần xao lãng công việc hiện tại. S. kể lại: “Tôi ngày càng ít quan tâm làm việc hơn sau khi nói cho mọi người biết là mình sẽ nghỉ. Kết quả là danh tiếng mà tôi đã gây dựng cẩn thận sau nhiều năm làm việc chăm chỉ bị ảnh hưởng trầm trọng chỉ vì bất cẩn trong một thời gian ngắn. Khi tôi rời đi, người thay thế tôi đã xem qua tất cả các báo cáo của tôi từ tháng trước và thông báo cho các giám sát viên của tôi về công việc kém chất lượng mà tôi đã thực hiện.” Anh tiếp lời: “Điều tồi tệ nhất vẫn chính là tôi chưa bao giờ gửi lời xin lỗi mọi người vì những gì mà mình đã gây ra.”

S. không quên gửi lời khuyên đến những ai đang có ý định nghỉ việc: Hãy nghĩ về cảm giác đầu tiên của bạn khi bạn bắt đầu công việc. Sự phấn khích, khả năng và bao nhiêu kiến thức bạn đã học được cũng như trưởng thành khi ở vị trí đó. Việc bạn chán vì môi trường làm việc hiện tại của mình không có nghĩa là toàn bộ những trải nghiệm mà bạn có được trong thời gian làm việc ơ công ty cũ không mang lại giá trị gì trong việc giúp bạn phát triển sự nghiệp của mình.

Theo Havard Business Review

 

Viết bình luận của bạn: